Yêu cầu thực tiễn về công bố phạm vi năng lực hiệu chuẩn đối với lĩnh vực đo lường áp suất
Hiện nay cùng với việc tiến bộ của khoa học kỹ thuật thiết bị đo áp suất ngày càng được phát triển sâu rộng trong các lĩnh vực như hàng không, y tế, hàng hải, khí tượng thủy văn.. và liên quan trực tiếp đến đảm bảo an toàn và sức khỏe của con người. Với chức năng chính là đảm bảo tính thống nhất về đo lường trên phạm vi quốc tế, Viện Cân đo Quốc tế (BIPM) đã nhận thức được vấn đề công bố năng lực hiệu chuẩn của các quốc gia là khác nhau về tiêu chí phân loại đại lượng và điều này dẫn đến việc không thống nhất và không minh bạch năng lực hiệu chuẩn của các quốc gia, tổ chức, đơn vị.
Đầu năm 2022, BIPM đã chính thức đăng tải tiêu chí phân loại đại lượng đo trên trang web của tổ chức đối với nhiều lĩnh vực đo lường trong đó có lĩnh vực đo lường áp suất. Việc phân chia đại lượng đo được thực hiện bằng 3 tiêu chí: dạng áp suất cần đo (áp suất tuyệt đối, áp suất dư, áp suất chân không, áp suất chênh áp); môi trường truyền áp suất (chất khí, chất lỏng); mức độ biến đổi theo thời gian của đại lượng (áp suất tĩnh, áp suất động).
Với việc bổ sung các tiêu chí như vậy, việc công bố năng lực hiệu chuẩn đối với lĩnh vực áp suất tại Việt Nam cần được chia ra thành:
- Áp suất tuyệt đối với môi trường khí
- Áp suất tuyệt đối với môi trường chất lỏng
- Áp suất dư đối với môi trường khí
- Áp suất dư đối với môi trường chất lỏng
- Áp suất chênh áp đối với môi trường khí
- Áp suất chênh áp đối với môi trường chất lỏng
- Áp suất động
So sánh với việc phân chia đại lượng trước đây, chúng ta chưa áp dụng ba tiêu chí nói trên. Nếu như một tổ chức, đơn vị chỉ đầu tư các hệ thống chuẩn đo áp suất dư nhưng khi công bố năng lực hiệu chuẩn có thể được hiểu là có khả năng hiệu chuẩn được tất các dạng áp suất bao gồm cả áp suất tuyệt đối, áp suất chênh áp. Một trường hợp khác là các tổ chức, đơn vị chỉ đầu tư hệ thống chuẩn và thiết bị tạo áp suất đối với môi trường chất lỏng nhưng công bố năng lực thì vẫn được hiểu là có thể đo được cả môi trường áp suất khí. Điều này dẫn đến việc không kiểm soát được năng lực thực sự của các tổ chức, đơn vị; chưa hài hòa với quốc tế và minh bạch hóa được năng lực hiệu chuẩn khi so sánh giữa các đơn vị với nhau. Việc áp dụng các tiêu chí trên dẫn đến việc các tổ chức đơn vị cần phải đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị chuẩn, tuy nhiên năng lực công bố sẽ bám sát khả năng đo, hiệu chuẩn thực tế mà tổ chức, đơn vị có thể thực hiện được.
Hiện tại với các Viện đo lường quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đã tuân thủ và công bố năng lực theo các tiêu chí như trên. Ở khu vực Châu Á có Viện Đo lường quốc gia Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Tuy nhiên tại Việt Nam thì việc công bố năng lực hiệu chuẩn chưa theo được thông lệ quốc tế một cách hoàn toàn. Hiện tại có Viện Đo lường Việt Nam và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã phân chia môi trường truyền áp suất khí và chất lỏng tuy nhiên chưa áp dụng các tiêu chí còn lại.
Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Theo quan điểm cá nhân của tác giả, chúng ta cần có sự thống nhất trong việc công bố năng lực của các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hiệu chuẩn áp suất để phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.
Nguồn trích dẫn:
Trần Khắc Dương, Nguyễn Nam Thắng – Viện đo lường Việt Nam