Những năm gần đây hoạt động đo lường có nhiều thay đổi sâu sắc. Bảy đơn vị cơ bản của Hệ đơn vị quốc tế (SI) được định nghĩa lại thông qua các hằng số tự nhiên với mục đích nâng cao độ chính xác, ổn định trong việc thiết lập các đơn vị cơ bản, đơn vị dẫn xuất. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ đo lường được thể hiện qua kết quả nghiên cứu về phương pháp đo, công nghệ đo lường mới … ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các mặt hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Nhận thấy tầm quan trọng của đo lường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngày 10 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg về việc “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Trong Đề án này, nhiệm vụ “Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường” là một trong những nội dung quan trọng.

Ở các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ đo lường phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, … các giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường thường được chuẩn hóa, cập nhật và có hiệu quả thực tế.

Tại Việt Nam, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường do các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức có hoạt động đo lường (Vụ, Viện, Trung tâm, …). Tài liệu giảng dạy được khai thác từ nhiều nguồn như trên internet, từ các tài liệu về đo lường đã xuất bản, từ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động chuyên môn về đo lường của giảng viên. Tuy nhiên đa số các tài liệu về đo lường hiện có đã được biên soạn từ khá lâu (trừ một số quy trình, văn bản kỹ thuật về đo lường phục vụ mục đích quản lý nhất định). Việc khai thác nguồn tài liệu chính thức chưa được cập nhật dẫn đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường thiếu   nhất quán, còn bất cập giữa lý thuyết và thực hành, thậm chí một số tài liệu về phương pháp đo mới giảng dạy, …

Triển khai nội dung “Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường” của Đề án 996, tháng 6 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng các bộ tài liệu kỹ thuật đo cho các lĩnh vực đo lường giai đoạn 2021-2023”. Nhiệm vụ này đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) giao cho Viện Đo lường Việt Nam thực hiện.

Trong gần 3 năm, từ 7/2021 đến 11/2023, đội ngũ chuyên gia, giảng viên, cán bộ kỹ thuật các phòng đo lường của Viện đo lường quốc gia đã chủ trì và phối hợp với các chuyên gia, giảng viên, cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu về đo lường của Hội Đo lường Việt Nam; Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực 1, 2; Trung tâm Kỹ thuật, Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, … để biên soạn, góp ý, chỉnh sửa, thống nhất và hoàn chỉnh, sẵn sàng cho phổ biến, đào tạo đối với 25 bộ tài liệu kỹ thuật các lĩnh vực đo lường độ dài, khối lượng, lực - độ cứng, áp suất, dung tích – lưu lượng, hóa lý, điện, điện từ trưởng, thời gian - tần số, nhiệt, âm thanh - rung động, quang học. Các bộ tài liệu này cung cấp các kiến thức chung từ mức cơ bản đến nâng cao và các kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật đo và hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường, bao gồm:

Các bộ tài liệu về cơ sở đo lường và lĩnh vực đo lường chung:

  1. Cơ sở đo lường học;
  2. Đánh giá năng lực đo lường.

Các bộ tài liệu về lĩnh vực đo lường chuyên ngành:

  1. Kỹ thuật đo độ dài – Đo sai lệch hình dạng và vị trí tương quan;
  2. Kỹ thuật đo độ dài – Đo kích thước;
  3. Kỹ thuật đo góc;
  4. Kỹ thuật đo độ dài – Đo khoảng cách trong trắc địa;
  5. Kỹ thuật đo khối lượng – Cân không tự động;
  6. Kỹ thuật đo độ cứng;
  7. Kỹ thuật đo mô men lực;
  8. Kỹ thuật đo thể tích chất lỏng tĩnh;
  9. Kỹ thuật đo lưu lượng khí;
  10. Kỹ thuật đo lưu lượng chất lỏng trong đường ống dẫn kín;
  11. Kỹ thuật đo lưu lượng chất lỏng trong kênh hở tiêu chuẩn;
  12. Kỹ thuật đo áp suất;
  13. Kỹ thuật đo pH;
  14. Kỹ thuật đo độ nhớt;
  15. Kỹ thuật đo công suất điện;
  16. Kỹ thuật đo công suất cao tần;
  17. Kỹ thuật đo thời gian - tần số;
  18. Kỹ thuật đo nhiệt độ không tiếp xúc;
  19. Kỹ thuật đo và hiệu chuẩn phương tiện đo nhiệt độ tiếp xúc;
  20. Kỹ thuật đo cường độ sáng;
  21. Kỹ thuật đo quang thông;
  22. Kỹ thuật đo âm thanh;
  23. Kỹ thuật đo rung động.

Việc xây dựng thành công 25 bộ tài liệu kỹ thuật các lĩnh vực đo lường giai đoạn 2021-2023 là bước khởi đầu thuận lợi hướng tới mục tiêu chuẩn hóa và làm phong phú thêm tủ tài liệu chuyên ngành đo lường, cả về kiến thức cơ bản và chuyên sâu các lĩnh vực đo. Các tài liệu kỹ thuật này không những là cơ sở quan trọng để từng bước bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường, mà còn nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của ngành đo lường, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.  

Nguồn: TS. Ngô Thị Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ ĐO LƯỜNG

Tin mới

Web links

THỐNG KÊ