Ngày 18/01/2024, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) và Hội Đo lường Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI)”. Hội thảo đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, NQI là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của một nền kinh tế, đây được coi là điều kiện cần thiết để thị trường thương mại nội địa hoạt động hiệu quả, đồng thời là công cụ thúc đẩy và duy trì sự phát triển của các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo thông lệ quốc tế, NQI là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng ở từng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Ngày nay, để đo lường mức độ phát triển NQI của một quốc gia nói riêng hay so sánh mức độ phát triển NQI của các quốc gia trên thế giới nói chung, các chuyên gia sử dụng Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII). UNIDO đã nhận định GQII là chỉ số tổng hợp đo lường các khía cạnh khác nhau của các lĩnh vực: tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và chứng nhận sự phù hợp.

Tại Hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận: So sánh liên phòng về đo lường và một số định hướng về hoạt động đo lường.

Tại phiên thảo luận so sánh liên phòng về đo lường, Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu chia sẻ, hiện nay, ở cấp độ quốc tế, các quốc gia muốn tham gia các thỏa thuận lẫn nhau về đo lường bắt buộc phải tham gia các chương trình so sánh liên phòng. Văn phòng cân đo quốc tế (BIPM) đã tổ chức nhiều chương trình so sánh liên phòng đối với các lĩnh vực đo để thừa nhận khả năng đo, hiệu chuẩn. Qua đó, chúng ta có thể tra cứu khả năng đo, hiệu chuẩn của một viện đo lường quốc gia trên trang web KCDB.BIPM. Bên cạnh đó, Tổ chức Đo lường châu Á Thái Bình Dương APMP cũng thực hiện nhiều chương trình SSLP làm cơ sở để thừa nhận lẫn nhau về đo lường. Viện Đo lường Việt Nam cũng tham gia một số chương trình SSLP do APMP tổ chức (Khối lượng, dung tích, điện, áp suất, âm thanh-rung động, thời gian tần số).

Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam Ngô Thị Ngọc Hà điều hành phiên thảo luận về một số định hướng về hoạt động đo lường.

Tại phiên thảo luận về một số định hướng về hoạt động đo lường, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam Ngô Thị Ngọc Hà đã có những chia sẻ về sản xuất chất chuẩn, cụ thể: năm qua đã có nhiều nghiên cứu về sản xuất chất chuẩn, tuy nhiên chỉ sản xuất trong phòng thí nghiệm. Hiện nay, với kinh nghiệm tiến tới hệ thống sản xuất chất chuẩn theo ISO 17043, quyết tâm đến năm 2024, Việt Nam sẽ được công nhận hệ thống sản xuất chất chuẩn. Bên cạnh đó, khởi động lại chương trình đầu tư chuẩn đo lường quốc gia.

Thông qua Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã thảo luận và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.

Nguồn: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8875/phat-trien-ha-tang-chat-luong-quoc-gia-thong-qua-hoat-dong-do-luong.aspx

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ ĐO LƯỜNG

Tin mới

Web links

THỐNG KÊ