Hội thảo "Đo lường hôm nay vì ngày mai bền vững"
Ngày 20/5, Viện Đo lường Việt Nam phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng tổ chức hội thảo “Đo lường hôm nay vì ngày mai bền vững” và kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Hội thảo có sự tham dự của ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của đo lường trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ông nêu rõ, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, được thông qua năm 2015, hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững được ban hành ngày 25/9/2020 và Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 cùng mục tiêu đạt Net zero vào năm 2050.
Ông Hiệp khẳng định, vai trò của ngành đo lường là rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật. Thông qua hội thảo này, các đại biểu, nhà quản lý và chuyên gia sẽ cùng thảo luận để tìm ra giải pháp hữu hiệu, đóng góp của ngành đo lường nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng, nhấn mạnh rằng đo lường là ngành khoa học kỹ thuật chính xác và đáng tin cậy, có vai trò quan trọng trong sản xuất, mua bán, giao dịch, quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học. Ông Tuấn cho biết, đo lường giúp thành phố duy trì tính cạnh tranh, giao thương, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với doanh nghiệp, đo lường nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu.
Ông Tuấn cũng chia sẻ rằng đo lường đảm bảo sản phẩm và dịch vụ phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe, môi trường trong sản xuất. Đo lường còn là công cụ quản lý quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tối ưu hóa sản xuất.
Ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường, trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, nhấn mạnh rằng năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1488/QĐ-TTg về "Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030". Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo đề án "Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035". Tổng cục đã ban hành 4 quyết định để triển khai Đề án 996, với 55/63 tỉnh, thành phố và 3 Bộ đã có kế hoạch thực hiện đề án. Năm 2023, Tổng cục tổ chức 14 khóa học về chương trình đảm bảo đo lường với 739 lượt học viên từ 63 địa phương và 13 doanh nghiệp, phê duyệt 80 chuyên gia tham vấn chương trình đảm bảo đo lường và 60 đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia chương trình.
Hội thảo cũng bao gồm các tham luận liên quan đến hoạt động đo lường của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. Hải Phòng, chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia và cơ sở năm 2024, kế hoạch hoạt động của Hội Đo lường Việt Nam triển khai Thông tư 03/2024 về đo lường với phương tiện đo nhóm 2, và công tác quản lý chất lượng và đo lường tại công ty Boviet Solar.
Hội thảo kết thúc với phần trao đổi, thảo luận và giải đáp các khó khăn, vướng mắc giữa đại biểu tham dự với các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng của đo lường trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.