Từ năm 2022 đến nay, Viện Đo lường Việt Nam – với vai trò là tổ chức điều phối – đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình so sánh liên phòng (SSLP) ở cả cấp quốc gia và cơ sở. Các chương trình SSLP đã được thực hiện trong các lĩnh vực khối lượng, dung tích – lưu lượng, điện, nhiệt độ và áp suất với sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện và các tổ chức liên quan. Kết quả đạt được từ những chương trình SSLP này không chỉ bảo đảm độ tương đương giữa các phòng thí nghiệm tham gia mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy và năng lực kỹ thuật của hệ thống đo lường quốc gia.

Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn và đề xuất từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ tại các phòng đo lường chuyên môn, ngày 03/7/2025, Viện Đo lường Việt Nam đã tổ chức buổi thảo luận trao đổi chuyên môn do Tiến sĩ Đỗ Đức Nguyên – Phó Viện trưởng – chủ trì. Mở đầu buổi trao đổi, Tiến sĩ Nguyên đã trình bày các vấn đề chung và vai trò quan trọng của hoạt động SSLP trong hệ thống đo lường quốc gia, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là công cụ kỹ thuật quan trọng để đánh giá mức độ tương đương kết quả đo giữa các tổ chức kỹ thuật, góp phần thúc đẩy hội nhập và duy trì chất lượng trong hoạt động đo lường. Tiếp theo đó là điểm lại những kết quả nổi bật của các chương trình SSLP trong thời gian gần đây, đặc biệt là các chương trình do Viện Đo lường Việt Nam điều phối. Trong khuôn khổ buổi thảo luận, bảy bước triển khai một chương trình SSLP như được quy định tại Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18/7/2023 cũng đã được Tiến sĩ Nguyên trao đổi cụ thể:

Bước 1. Xây dựng dự thảo thủ tục kỹ thuật: Xác định mục tiêu, phạm vi chương trình; lựa chọn mẫu so sánh; hướng dẫn phương pháp đo; quy định điều kiện thực hiện phép đo.

Bước 2. Mời các tổ chức tham gia: Gửi lời mời và tài liệu kỹ thuật đến các tổ chức có năng lực phù hợp; xác lập danh sách tham gia trên cơ sở tự nguyện.

Bước 3. Tổ chức hội thảo chuẩn bị: Thống nhất nội dung kỹ thuật, điều kiện tham gia và phân công trách nhiệm giữa các bên.

Bước 4. Luân chuyển mẫu và thực hiện phép đo: Mẫu được luân chuyển tuần tự giữa các đơn vị; mỗi đơn vị thực hiện phép đo theo đúng quy trình đã thống nhất.

Bước 5. Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả: Tổng hợp dữ liệu, lập báo cáo sơ bộ; gửi tới các đơn vị để góp ý và phân tích nguyên nhân các sai lệch (nếu có).

 

Bước 6. Tổ chức hội thảo kết thúc: Đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và đề xuất các cải tiến cho những lần thực hiện tiếp theo.

Bước 7. Phê duyệt và công bố kết quả chính thức: Hoàn thiện báo cáo, trình tổ chức chủ trì phê duyệt và công bố; trong trường hợp cần thiết, thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định trước khi ban hành.

Ts. Đỗ Đức Nguyên trao đổi trình tự các bước triển khai thực hiện chương trình SSLP theo Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN

 

Tiếp theo đó chương trình đã bước vào phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai các chương trình SSLP. Phiên trao đổi diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực của các cán bộ kỹ thuật đến từ nhiều phòng đo lường chuyên môn, tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, tình huống thực tế, cũng như những khó khăn thường gặp trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được nêu ra, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tinh thần cầu thị của đội ngũ cán bộ chuyên môn. Đặc biệt, phần thực hành xử lý số liệu được đánh giá là nội dung trọng tâm của buổi trao đổi. Tại đây, Tiến sĩ Nguyên đã cung cấp một bộ số liệu giả định mô phỏng kết quả đo của 7 phòng thí nghiệm tham gia một chương trình SSLP, các cán bộ được chia thành các nhóm để trực tiếp phân tích, xử lý và thảo luận các tình huống kỹ thuật sát với thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực phân tích, đánh giá và ứng dụng kết quả SSLP trong điều kiện thực tế. Ngoài ra trong phần thực hành, các thành viên đã nghe phân tích chi tiết nguồn gốc, ý nghĩa toán học của công thức tính hệ số En để đánh giá mức độ tương đương giữa các phòng thí nghiệm tham gia chương trình SSLP. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyên cũng giới thiệu và phân tích phương pháp đánh giá tương đương theo hướng dẫn của Cox – một phương pháp đánh giá có hệ thống sử dụng mô hình thống kê với các bước xác định giá trị trung bình trọng số, độ lệch chuẩn kết hợp nhằm kiểm tra độ nhất quán và xác định độ chênh lệch giữa từng đơn vị tham gia so với giá trị chuẩn. Việc áp dụng phương pháp này đã giúp các cán bộ hiểu sâu hơn về cơ sở đánh giá kết quả kỹ thuật trong các chương trình SSLP và chuẩn hóa cách thức xử lý số liệu theo thông lệ quốc tế. Thông qua việc thực hành và phân tích trên nền dữ liệu mô phỏng, các cán bộ kỹ thuật không chỉ được củng cố kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện khả năng ứng dụng các phương pháp tính toán, xử lý tình huống và ra quyết định kỹ thuật – những yếu tố then chốt trong việc triển khai các chương trình SSLP hiệu quả và tin cậy.

Cán bộ tham gia buổi thảo luận xử lý số liệu đo trên bộ số liệu giả định

 

Buổi thảo luận không chỉ là dịp để các cán bộ trẻ có cơ hội củng cố kiến thức và cập nhật phương pháp chuyên môn mà còn là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao năng lực tổ chức, đánh giá và xử lý kết quả trong các chương trình SSLP. Đây là bước chuẩn bị thiết thực để đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại Viện Đo lường Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong hệ thống đo lường quốc gia.

 

Nguồn tin: Ts. Đỗ Đức Nguyên – Phó Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam

                 Ts. Nguyễn Xuân Thái – Phòng Đo lường Dung tích - Lưu lượng

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ ĐO LƯỜNG

Web links

THỐNG KÊ